Sách “ Trước khi muốn từ bỏ hãy nghĩ tới ngày mai” - Lâm Thanh Huyền
Lâm Thanh Huyền bắt đầu nổi tiếng từ cuối những năm 1970 và 1980 với hàng loạt các tác phẩm văn chương sâu lắng và tâm linh, thu hút nhiều độc giả từ mọi tầng lớp xã hội. Ông từng nhận nhiều giải thưởng văn học lớn tại Đài Loan và được coi là một trong những tác giả có ảnh hưởng nhất trong văn học đương đại Đài Loan. Muốn biết tản văn do Lâm Thanh Huyền viết giản dị và hay thế nào, chúng ta đọc thử “Lời nói đầu” trong quyển “Trước khi muốn từ bỏ hãy nghĩ tới ngày mai” của tác giả".
SÁCH HAY
10/23/202411 phút đọc


Đôi nét về tác giả Lâm Thanh Huyền:
Lâm Thanh Huyền (林清玄, Lin Qingxuan) ( 1953-2019 ) là một trong những nhà văn nổi tiếng nhất Đài Loan, đặc biệt được biết đến với văn phong đầy cảm xúc, giàu triết lý và sâu sắc về cuộc sống.
Lâm Thanh Huyền lớn lên trong một gia đình nghèo khó và bắt đầu viết lách từ khi còn nhỏ. Ông tốt nghiệp khoa Triết học tại Đại học Văn hóa Trung Hoa (Chinese Culture University) ở Đài Bắc. Trải qua nhiều công việc khác nhau, từ nhà báo, biên tập viên cho đến giáo viên, Lâm Thanh Huyền đã tích lũy nhiều trải nghiệm phong phú về đời sống con người. Những trải nghiệm này, kết hợp với niềm đam mê học hỏi triết học và tâm linh, đã giúp ông xây dựng nên phong cách riêng của mình.
Lâm Thanh Huyền bắt đầu nổi tiếng từ cuối những năm 1970 và 1980 với hàng loạt các tác phẩm văn chương sâu lắng và tâm linh, thu hút nhiều độc giả từ mọi tầng lớp xã hội. Ông từng nhận nhiều giải thưởng văn học lớn tại Đài Loan và được coi là một trong những tác giả có ảnh hưởng nhất trong văn học đương đại Đài Loan.
Trích dẫn từ sách: “ Trước khi muốn từ bỏ hãy nghĩ tới ngày mai”:
Muốn biết tản văn do Lâm Thanh Huyền viết giản dị và hay thế nào, chúng ta đọc thử “Lời nói đầu” trong quyển “ Trước khi muốn từ bỏ hãy nghĩ tới ngày mai” của tác giả:
“ Lời nói đầu”
Niềm vui đơn thuần là mỹ vị chốn nhân gian.
Từ hồi tiểu học, tôi đã thích dọc văn thơ của Tô Đông Pha. Điều kỳ lạ là khi ấy tôi không hiểu văn cổ, chỉ riêng thơ của ông là vừa đọc đã hiểu. Có lẽ vì khi sáng tác, ông luôn dùng những câu từ đơn giản nhất để miêu tả tình cảm sâu đậm nhất. Bởi câu từ đơn giản nên cả người lớn lẫn trẻ nhỏ đều có thể đọc và cảm nhận; bởi tình cảm đậm sâu nên mỗi lần đọc là một lần ngẫm ra cái mới.
Nhưng quan trọng hơn cả, Tô Đông Pha là một nhà đời sống học, các sáng tác của ông đều bắt nguồn từ cuộc sống, ông tập trung tư tưởng của Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo ( đặc biệt là quan điểm của Trang Tử ) vào cuộc sống để biểu đạt nhân sinh quan thuận theo duyên số, hài lòng với vận mệnh.
Những ngày tháng giàu sang sung sướng chỉ kéo dài đến hết thời thanh niên trai tráng, về sau Tô Đông Pha gần như sống trong cảnh lang bạt nay đây mai đó, bình thường còn ăn không đủ no, “Vào bếp nấu đồ tết hàn thực; bếp vỡ, dưới nồi lau sậy ẩm”, “Dê bò kêu nghe phiền, không dám nhìn giỏ trúc”, nghèo nàn đến mức không dám nhìn giỏ đựng lương thực.
Nhưng dù khó khăn thế nào, Tô Đông Pha vẫn hào sảng như trước, vẫn viết ra những tác phẩm tuyệt diệu đầy phóng khoáng.
Nếu không xét đến lớp vỏ ngoài thế tục, cuộc sống của Tô Đông Pha quả thực vô cùng phong phú, ngoài thơ từ văn chương, ông còn hiểu về trà đạo, thích những món ăn ngon, giỏi nấu nướng, ông còn biết vẽ tranh và tất nhiên có rất nhiều bạn tốt.
Vì có cuộc sống phong phú như vậy, nên gần như ngày nào ông cũng sáng tác. Trước đây, khi đọc Đông Pha toàn tập, tôi vô cùng kinh ngạc vì trong đó có khoảng ba nghìn bảy trăm bài thơ, hơn ba trăm bài từ, vô số những tản văn tuyệt mỹ cùng các bài luận với góc nhìn và cách lý giải vô cùng tinh tế, tỉ mỉ. Những gì ông sáng tác còn vượt xa con số ấy, chỉ tiếc không thể lưu truyền đến ngày hôm nay.
Khi Tô Đông Pha đi giày cỏ, chống gậy trúc tản bộ trên đường, bản thân ông cảm thấy thoải mái vô cùng, hơn cả khi cưỡi ngựa. Ông nói: “Niềm vui đơn thuần là mỹ vị chốn nhân gian.”
“Niềm vui đơn thuần” là điều tuyệt vời nhất trần gian, là khi ta không còn bị trói buộc bởi những ham muốn, khao khát trần tục, biết trở về với niềm hân hoan bình dị nhất.
Là khi ta nhâm nhi ly trà giữa ngày hè oi ả.
Là ngày đông tuyết đổ ta ngồi nhìn ánh nến trong gió lạnh.
Là chiều hoàng hôn nắng đỏ ta ngắm mặt trời ngả về Tây.
Là tiếng ve ngân nga vang vọng giữa rừng già.
Là đêm thâu quạnh vắng nhìn thông rơi bỗng nhớ bạn phương xa.
Là khi đứng trên đỉnh núi cao, nhớ về những người anh em ngày nào.
Là khi nhìn sợi tóc bạc rụng xuống chợt nhớ người thương trọn một đời.
- Là khi ánh trăng rọi xuống đồi tùng, ta thầm mong mọi người trên khắp thế gian cùng hưởng một vầng trăng thanh.
…
Dù trải qua thời thơ ấu nghèo khổ, thời niên thiếu tứ cố vô thân không nơi nương tựa, thời thanh niên lẻ loi cô độc, tôi vẫn có thể hướng về những điều tuyệt vời trong cuộc sống, luôn giữ lấy bản tâm nguyên vẹn, bởi vì tôi tin rằng “niềm vui đơn thuần là mỹ vị chốn nhân gian”.
Niềm vui đơn thuần sẽ không bao giờ mất đi, chỉ cần chúng ta giữ được phẩm đức.
Thản nhiên và phóng khoáng.
Những năm gần đây, tôi đi diễn thuyết tại các trường trung học phổ thông và đại học ở đại lục, nhiều trường thậm chí còn có hơn mười nghìn người tới nghe.
Hơn mười nghìn thính giả mang nỗi sầu muộn, chen chúc đến nghe diễn thuyết, vậy cũng đủ khiến người ta kinh ngạc lắm rồi.
Các sinh viên sầu muộn vì sắp phải đối mặt với vấn đề tìm việc làm, hoang mang không biết cuộc sống về sau sẽ ra sao. Nhưng tương lai vốn có rất nhiều con đường để ta lựa chọn, chỉ cần luôn mang ý chí chiến đấu, đi về đâu cũng có đường.
Nỗi sầu muộn của học sinh cấp ba mới đáng sợ, vì các em cho rằng mình chỉ có một con đường duy nhất. Vì không còn đường nào khác, các em luôn căng thẳng mỗi lần thi cử, mỗi lần nhận điểm số. Dường như cuộc sống của mọi học sinh cấp ba đều xoay quanh điểm số, những bài kiểm tra và đích đến cuối cùng là thi đại học. Thật tầm thường và đơn điệu đến đáng thương.
Cuối cùng sẽ có một ngày, sau khi lên đại học, trở thành sinh viên rồi tốt nghiệp, các em sẽ phát hiện ra cuộc sống chân chính không phải như vậy. Đa số những môn học chúng ta đạt điểm tối đa đều không được vận dụng vào cuộc sống. Đạt điểm tuyệt đối trở thành điều bất khả, công việc không thể đạt điểm tuyệt đối, tình yêu không có điểm tuyệt đối, hôn nhân không có điểm tuyệt đối, quan hệ giữa người với người không có điểm tuyệt đối, tình trạng sức khỏe cũng không có điểm tuyệt đối...
Không hoàn hảo mới thực sự là cuộc sống. Điều duy nhất không thay đổi là cuộc sống này luôn thay đổi mỗi ngày.
Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, được sáu mươi điểm là tốt rồi. Bốn mươi điểm còn lại nên dành cho những thứ khác, ví dụ như hiểu biết về cuộc sống, khả năng yêu và được yêu, khiếu hài hước hay tâm hồn cảm nhận cái đẹp của vạn vật nhân gian.
Học hỏi từ thất bại, vấp ngã để nuôi dưỡng nguồn năng lượng tích cực.
Thấu tỏ nỗi bi ai và sự vô thường của đời người trong dòng thời gian chảy trôi không ngừng.
Trải qua đắng cay ngọt bùi để xây dựng nhân sinh quan và giá trị quan cho bản thân.
Thản nhiên, phóng khoáng trước tứ kiếp nhân duyên.
Lúc học cấp ba hoặc đại học, có lẽ chỉ khi biết suy tư về sự đời, về con đường của bản thân, người ta mới không bị chôn vùi bởi điểm số và thi cử.
Rồi một mai, khi vượt qua tất thảy, thản nhiên trước mọi sự đổi dời, ta sẽ đạt được tự do chân chính.
Nơi ở lý tưởng của tôi
Từ thời niên thiếu tôi đã muốn sống trong một căn nhà nhỏ được bao quanh bởi rừng rậm và hoa cỏ. Khi mở cửa, ta sẽ thấy một mặt sàn lát gỗ, bốn bức tường đều sơn trắng, trong phòng không có bất cứ đồ đạc nào. Đây sẽ là nơi diễn ra mọi hoạt động ăn uống, ngủ nghỉ, sáng tác hay gặp gỡ bạn bè. Tôi gọi căn nhà ấy là “căn phòng trống”.
Sau này, tôi sở hữu vài căn nhà, nhưng vì có quá nhiều đồ đạc, sách vở và quần áo, tôi không thể tạo ra một ngôi nhà trống không như mình hằng mong muốn. Cuối cùng, tôi đành đặt “căn phòng trống” ấy trong lòng, hy vọng một ngày nào đó có thể biến nó thành sự thật.
“Căn phòng trống” ấy thực ra là “phòng thiền”. “Thiền” là cái tâm đơn thuần, là biểu hiện của bình dị chân chất, bỏ đi tất thảy những sự vật không cần thiết, chỉ để lại sự thuần khiết, thuần túy và thuần tịnh.
Trong thời đại hỗn loạn và phức tạp như bây giờ, khi có quá nhiều thứ phải xa rời, quá nhiều tục vật phải buông bỏ, quá nhiều tình cảm phải cắt đứt... việc trở về với sự bình dị, giản đơn ngày càng trở nên khó khăn.
“Căn phòng trống” không chỉ cần thiết với cuộc sống bên ngoài mà quan trọng với cả tâm hồn bên trong. Được trở về với cái tâm thuần túy thuở ban sơ, về nơi trống không thanh tĩnh thì xem như mọi sự viên mãn.
Gần năm mươi năm cầm bút, tuy từng có lúc huy hoàng, từng bước qua giai đoạn rực rỡ gấm hoa, tôi vẫn luôn ấp ủ nguyện vọng tạo ra một “căn phòng trống”, nơi tôi có thể về với những gì đơn thuần nhất, tận hưởng nó cùng những người hữu duyên. Ấy là nơi ở lý tưởng của tôi.
Lâm Thanh Huyền
Giữa hè năm 2015
Thanh Thuần Trai, Song Khê, Đài Bắc
Liên hệ
Địa chỉ
01 Bến Cát, KP.1, P.4, TX.Cai Lậy, Tiền Giang
Liên hệ
123-456-7890
anhbatronghoa@gmail.com